Sign In

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam

17:00 18/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam. Không chỉ vậy, Hồ Chí Minh còn là chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, sau đổi tên Hồ Chí Minh) sinh ngày 19/5/1890, tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong cảnh đất nước lầm than, chứng kiến các phong trào yêu nước kháng Pháp với các xu hướng khác nhau nổ ra liên tiếp nhưng đều thất bại vì chưa có một đường lối đúng đắn. Chứng kiến sự bóc lột, đày đọa tàn bạo của thực dân Pháp với người dân; mắt thấy, tai nghe về sự hy sinh xương máu của đồng bào, ngày 5/6/1911, Người ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng: Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào, rồi trở về giúp đồng bào tôi.

Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, gần 30 năm Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của Nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt.

Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu các nước tham dự Hội nghị thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 7/1920, Hồ Chí Minh tiếp cận, nghiên cứu “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển hướng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

 

Năm 1921, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa; năm 1922 xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp. Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp... Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản tại Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn, đào tạo cán bộ để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Được sự phân công của Quốc tế cộng sản, ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 - 1940, Người tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, bị bắt giam và tù đày, cô lập.

Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) Người được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (1954). Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đề ra đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn lao. Di chúc Người để lại là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Sự ra đi của Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

left center right del
Bác Hồ, một tình yêu bao la               Ảnh: sưu tầm

Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW trên địa bàn tỉnh đã trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cơ quan và trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; kịp thời sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đã xuất hiện nhiều gương “người tốt - việc tốt”, mô hình mới, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện trung thành và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước cách mạng, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vững bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đình Phúc

Ý kiến

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần

Đồng chí Trần Đức Lương, sinh ngày 5/5/1937, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từ trần hồi 22 giờ 51 phút ngày 20/5/2025, tại Nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ một số dự án luật

Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ một số dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ 15 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Quảng Trị và Bình Phước, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận một số dự án luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm hẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trong chương trình thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trưa 10/5/2025, giờ địa phương (chiều cùng ngày, giờ Hà Nội), tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva, Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm hẹp với Tổng thống LB Nga Vladimir Putin.