Nhìn lại lịch sử, cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, tại Hội trường Mặt trận Liên Việt ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Sự kiện này đã trở thành mốc son lịch sử trong chặng đường xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam, lần đầu tiên những người làm báo Việt Nam chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển (21/4/1950 - 21/4/2025), đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của những người làm báo Việt Nam và khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Cùng với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam và quá trình xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 28/02/1997 Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 608/HNB của Hội Nhà báo Việt Nam.
Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, sau 28 năm thành lập (28/02/1997 - 28/02/2025), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Hội Nhà báo Việt Nam, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, hội viên, Hội Nhà báo tỉnh đã có những bước phát triển đáng tự hào. Khi thành lập, Hội có 15 hội viên sinh hoạt tại 2 chi hội nhà báo, đến nay đã phát triển lên 264 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội nhà báo, 02 câu lạc bộ.
Trong những năm qua, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi hội, câu lạc bộ nhà báo trực thuộc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Hội Nhà báo tỉnh đã làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm gắn với thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư, Chỉ thị 43-CT/TU ngày 12/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với lãnh đạo các cơ quan báo chí tổ chức quán triệt tới toàn thể hội viên nhà báo thực hiện tốt 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo Việt Nam.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên, người làm báo trên địa bàn tỉnh được chú trọng, đi vào chiều sâu, cách làm có sự đổi mới rõ nét. Hàng năm, Hội Nhà báo tỉnh và các chi hội nhà báo đã tổ chức được từ 6-8 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, tổ chức từ 2-4 hội nghị thông tin chuyên đề cho hội viên các chi hội nhà báo. Các lớp tập huấn, thông tin đều mời các chuyên gia, nhà báo có kinh nghiệm ở trung ương và của tỉnh đến trao đổi, thông tin theo hướng cầm tay chỉ việc, được các hội viên đánh giá cao. Thông qua các lớp tập huấn, hội nghị thông tin, chất lượng các tác phẩm báo chí, nhất là tác phẩm tham gia các giải báo chí của tỉnh và trung ương được nâng lên, một số tác phẩm đạt giải cao ở các giải báo chí của Trung ương, bộ, ngành, tiêu biểu như: Có tác phẩm báo chí của hội viên đạt giải Chuyên đề, Giải Khuyến khích và Giải B Giải Búa liềm vàng do Trung ương tổ chức; Hội Nhà báo tỉnh vinh dự là một trong 15 đơn vị được Ban Tổ chức Trung ương tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc hưởng ứng Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII – năm 2023…
Để góp phần giúp hội viên nhà báo tiếp cận các mô hình, điển hình trong thực tiễn, hàng năm Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, tìm hiểu, liện hệ với các địa phương và tổ chức một số đoàn nhà báo đi thực tế ở một số xã, thôn, tổ dân phố thuộc huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với một số cơ quan, đơn vị như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố Vĩnh Yên, sở Y tế, Cục thuế tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh… tổ chức các hội nghị, tọa đàm trao đổi, cung cấp thông tin giúp các nhà báo có thêm tư liệu, tìm các chủ đề để viết các tuyến bài chuyên sâu tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, đơn vị; đồng thời tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí và các nhà báo với các đơn vị, địa phương, góp phần giúp các nhà báo tác nghiệp được thuận lợi hơn. Đây là cách làm có sự đổi mới, sáng tạo của Hội, được các đơn vị và hội viên nhà báo đánh giá cao.
Phong trào sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao được phát động và triển khai rộng khắp trong toàn thể hội viên ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với việc tổ chức Giải báo chí của tỉnh hàng năm, Hội Nhà báo tỉnh đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương và phát động một số cuộc thi báo chí chuyên đề như:“Bác Hồ với Vĩnh Phúc”, “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Văn hoá, du lịch, xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu”, “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” tỉnh Vĩnh Phúc, … Giải báo chí của tỉnh và các cuộc thi báo chí do Hội tổ chức đã thu hút đông đảm các nhà báo và những người làm báo trên địa bàn tỉnh tham gia; là sân chơi trí tuệ, bổ ích, góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho nhà báo và nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.
Hàng năm, vào dịp đầu xuân mới, Hội Nhà báo tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội báo xuân Vĩnh Phúc. Cách thức tổ chức Hội báo xuân thường xuyên có sự đổi mới thông qua việc kết hợp nhiều hoạt động, bố trí đa dạng các gian trưng bày, phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi Hội báo xuân diễn ra, công tác tuyên truyền được chú trọng trên các nền tảng số. Qua đó, Hội báo xuân đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến thưởng lãm, tham quan, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để có thêm diễn đàn thường xuyên cho các nhà báo trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm làm báo, Hội Nhà báo tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền cho tăng số kỳ phát hành Đặc san Người làm báo Vĩnh Phúc xuất bản từ 4 số lên 6 số/năm; phê duyệt Đề án xây dựng Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội; hàng năm xuất bản sách ảnh “Văn hóa, du lịch, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu” tỉnh Vĩnh Phúc. Các ấn phẩm, Trang thông tin đã tập trung đăng tải nhiều tin, bài, hình ảnh của hội viên nhà báo, góp phần tuyên truyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh và là nơi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ của những người làm báo.
Công tác xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hướng về cơ sở, coi các chi hội nhà báo là hạt nhân của các phong trào thi đua và hoạt động của Hội. Đến nay, Hội có 264 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội và 02 câu lạc bộ nhà báo. Phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, nâng cao hiệu quả. Thường xuyên quan tâm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, động viên tinh thần, tạo môi trường thuận lợi để hội viên lao động sáng tạo. Hội thực sự là ngôi nhà chung của những người làm báo trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, với cách làm có sự đổi mới, sáng tạo, hiệu quả và những kết quả đạt được, năm 2014 Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và từ năm 2015 đến nay Hội Nhà báo tỉnh liên tục được Hội Nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Cờ thi đua và Bằng khen. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp xét trình Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là những phần thưởng cao quý, rất tự hào của những người làm báo Vĩnh Phúc qua nhiều thế hệ dựng xây.
|
 |
Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2023, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc là một trong 18 tập thể được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Cờ thi đua Ảnh: NLBVP |
Từ những kết quả trên và tình hình thực tiễn, Hội Nhà báo tỉnh rút ra một số kinh nghiệm. Một là, hằng năm, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội cần chủ động xây dựng Chương trình công tác của Ban Chấp hành Hội báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm làm căn cứ để dự toán kinh phí hoạt động. Tuy nhiện, cách làm này vẫn bị động do có việc năm nay được làm năm sau lại không được làm.
Để khắc phục khó khăn trên, Thường trực, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương giao Hội Nhà báo tỉnh cùng các đơn vị liên quan dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh. Nội dung Chỉ thị đã nêu cụ thể các nhiệm vụ giao cho Hội Nhà báo tỉnh hàng năm; chỉ đạo rõ về sự phối hợp của các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành trong hoạt động báo chí và hoạt động Hội; sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Hội hoạt động... Cùng với các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Điều lệ Hội, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thực sự là văn bản rất quan trọng để Hội có cơ sở pháp lý rõ ràng nhất triển khai các nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao và là căn cứ để Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể hóa các nhiệm vụ hàng năm trình cấp có thẩm quyền cấp kinh phí thực hiện.
Hai là, trong năm có nhiều hoạt động đột xuất, Thường trực Hội thường xuyên bám sát, chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện các nhiệm vụ mới để đề xuất nhiệm vụ Hội Nhà báo thực hiện vào để có chủ trương làm căn cứ thực hiện. Nhờ sự chủ động này, hàng năm Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Phúc được giao thêm một số nhiệm vụ quan trọng phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội, qua đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Hội trong các cơ quan, địa phương của tỉnh.
Ba là, chủ động đến với các cơ quan, đơn vị, cơ sở. Thường trực Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên chủ động đến và trao đổi với các cơ quan, đơn vị, nhất là các huyện, thành phố về công tác báo chí, hoạt động báo chí nói chung, hoạt động hội nói riêng để lãnh đạo các đơn vị hiểu về hoạt động của Hội, từ đó giúp cho công tác phối hợp được chặt chẽ hơn, các nhà báo tác nghiệp được thuận lợi hơn.
Bốn là, để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí và thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, Hội Nhà báo tỉnh rất chú trọng đến việc đề xuất xin chủ trương tổ chức các cuộc thi báo chí chuyên đề. Bình quân, mỗi năm ngoài Giải báo chí tỉnh, Hội chủ trì tổ chức từ 3-4 cuộc thi báo chí chuyên đề. Những cuộc thi này không chỉ là cơ hội để các hội viên thể hiện khả năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của mình mà còn là sân chơi trí tuệ, bổ ích, góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho nhà báo và nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.