Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ với cuộc đại cách mạng 4.0 đang mang đến cho báo chí, truyền thông nhiều cơ hội phát triển, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Đón nhận cuộc cách mạng công nghệ 4.0, có nhiều yêu cầu và giải pháp đổi mới truyền thông đặt ra đối với các cơ quan báo chí, các nhà báo. “Rèn luyện đạo đức, kỹ năng làm báo trong thời đại công nghệ 4.0” là rất cần thiết để mỗi nhà báo chuẩn bị tâm thế bước vào thời đại công nghệ 4.0, làm sao để làm chủ công nghệ chứ không bị lệ thuộc vào công nghệ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mà đặc biệt là sự “lên ngôi” của trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, nếu không kịp thời có sự chuẩn bị để thích nghi, đón nhận, không tạo được tâm thế làm chủ, đến một lúc nào đó nhà báo sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ, như vậy công nghệ 4.0 sẽ không còn tạo ra cơ hội phát triển nữa mà hoàn toàn sẽ là thách thức.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí truyền thông, với 3 yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông - như là một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông.
Nhìn vào thực tế, nhận thức và cảm nhận về cuộc cách mạng 4.0 đối với nhiều người trong tầng lớp trí thức trong đó có các nhà báo chúng ta mới đang chỉ là lý luận, có không nhiều các nhà báo có điều kiện tác nghiệp trong môi trường thiết bị thông minh, hiện đại nhất là với những người làm báo địa phương, còn có khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn về công nghệ truyền thông 4.0, trí tuệ nhân tạo.
Điều cần quan tâm đặc biệt hiện nay là sự thích nghi của các nhà báo hiện đang làm báo khi công nghệ truyền thông thay đổi. Việc tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tạo điều kiện cho các nhà báo tiếp cận với các mô hình truyền thông thế hệ mới, nhận thức rõ về những thách thức đặt ra của cuộc cách mạng 4.0 đối với báo chí, truyền thông nói chung và mỗi nhà báo nói riêng là rất cần thiết. Sự chuẩn bị về tâm thế cho tất cả các nhà báo để bước vào thời kỳ công nghệ truyền thông mới vào thời điểm này cần phải được bắt đầu ngay, kể cả đối với báo chí địa phương, vùng sâu, vùng xa nơi có thế công nghệ, phương pháp tác nghiệp sẽ thay đổi muộn hơn.
|
 |
Hội viên nhà báo Đài PT-TH Vĩnh Phúc chủ động làm chủ thiết bị, công nghệ, tích cực hội nhập truyền thông hiện đại Ảnh: Ngọc Nhâm |
Yếu tố đầu tiên cần phải chú trọng đó là tuyên truyền để những người làm báo nhận thức về những yêu cầu và thách thức đặt ra đối với báo chí trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Khi mà nhà báo sẽ tác nghiệp ở mọi nơi, mọi lúc bằng các thiết bị thông minh, thông tin cần phải được cập nhật kịp thời tính bằng phút và công chúng cũng tiếp cận truyền thông ở mọi nơi, mọi lúc, sẵn sàng có sự tương tác, phản hồi với thông tin thì nhà báo phải hội tụ được những yếu tố gì? Khi ứng dụng những phần mềm tự động thông minh, trí tuệ nhân tạo thay thế một phần những tác nghiệp của nhà báo thì nhà báo sẽ làm gì? Tự trả lời được những câu hỏi đó thì chính mỗi nhà báo đã tích cực chuẩn bị cho mình tâm thế đón nhận cuộc cách mạng công nghệ truyền thông mới, sau đó mới đến sự hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ của cơ quan của các cấp hội nhà báo…
Về đào tạo báo chí, hiện nay các trường đào tạo đều đã cập nhật, xây dựng chương trình đào tạo cho hệ nhà báo 4.0, tuy nhiên, cũng cần phải thường xuyên được nghiên cứu bổ sung và gắn với thực tế hơn vì ở nước ta, với đặc điểm của trình độ phát triển và điều kiện kinh tế,việc phát triển công nghệ truyền thông sẽ có những đặc điểm riêng.
Bên cạnh tiếp cận, làm chủ thiết bị, công nghệ, việc rèn luyện kỹ năng viết, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trong một tác phẩm phù hợp với phương pháp, xu thế thông tin mới vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng. Những phần mềm thông minh có thể rất tiện dụng nhưng không thể thay thế trí tuệ con người. Một tác phẩm báo chí dù ở thể loại nào, sử dụng công nghệ gì thì cũng phải là sản phẩm tinh thần tinh túy, gửi gắm trong đó tâm huyết của nhà báo mới được công chúng đón nhận, hoan nghênh, mới hữu ích trong xã hội thông tin.
Trong thời đại 4.0 cái tâm của nhà báo cũng luôn cần đặt lên hàng đầu. Khi nhà báo trở thành công dân tích cực của xã hội thông tin thì trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo cũng phải đề cao hơn bao giờ hết để hạn chế những tiêu cực của truyền thông hiện đại và những cám dỗ của lợi nhuận mang lại. Nói như một đồng nghiệp trẻ của chúng tôi chia sẻ: “Tâm vững thì lòng sẽ trong”.