Chiến khu Việt Bắc gắn liền với 9 năm kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp, đồng thời gắn liền với những câu chuyện làm báo, những nỗ lực và hy sinh vì nghề báo của một thế hệ nhà báo - chiến sĩ với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp được sự tiếp tay của các nước đế quốc đồng minh quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa; chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/946, tăng cường các hoạt động quân sự, ra sức phá hoại nền độc lập, tự do của Nhân dân ta mới giành lại được. Trước thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền, đấu tranh cách mạng, những năm từ 1946 đến 1954, nhiều cơ quan báo chí lớn như: Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập… kịp thời rút lên chiến khu. Chiến khu Việt Bắc khi ấy là một trong những chiến khu ra đời sớm nhất, quy mô lớn nhất. Đây cũng là giai đoạn kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo chí cách mạng chuyển lên chiến khu, đặt nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, phục vụ kháng chiến lên hàng đầu.
Từ một vùng tập hợp lực lượng, căn cứ địa cách mạng dần lớn mạnh lên trở thành Thủ đô gió ngàn quy tụ những cơ quan lớn nhất trong đó không thể thiếu được lực lượng báo chí. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ bề, Chiến khu Việt Bắc đã trở thành một địa bàn có nhiều hoạt động báo chí sôi nổi, phát huy được sức mạnh của báo chí cách mạng, tạo những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đời sống kháng chiến. Tại chiến khu này, các cơ quan thông tấn, báo chí... đã vượt lên trên khó khăn, gian khổ để phục vụ, đồng hành có hiệu quả cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những người làm báo giai đoạn này nỗ lực khai thác thứ nguyên liệu quý báu được sản sinh từ quần chúng Nhân dân, từ người chiến sĩ ngoài mặt trận, từ đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước... cùng với sự sáng tạo, trách nhiệm, sự thành thạo nghề để cho ra đời những tác phẩm chân thực nhất gửi ra chiến trường và đưa về hậu phương rộng lớn.
Chiến khu Việt Bắc gắn liền với 9 năm kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp, đồng thời gắn liền với những câu chuyện làm báo, những nỗ lực và hy sinh vì nghề báo của một thế hệ nhà báo - chiến sĩ với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đó là những năm tháng gian khổ nhất về mọi mặt, mọi phương diện vì toàn bộ lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở trong rừng. Rất nhiều khó khăn vô cùng lớn từ việc tác nghiệp, làm báo, in ấn, phát hành... Nhưng vượt lên trên tất cả, những người làm báo Việt Nam khi ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà báo, một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Việt Bắc ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện của kháng chiến chống Pháp, quyết định thắng lợi của kháng chiến chống Pháp thì báo chí Việt Bắc cũng quyết định gương mặt của báo chí kháng chiến, cho thấy được phần nào về báo chí cách mạng thông qua những tờ báo lớn, hoạt động báo chí từ những gian khó đến những ngày thắng lợi.
|
 |
Bia di tích lịch sử cấp Quốc gia ghi dấu Nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam |
Chính tại chiến khu Việt Bắc, Hội Những người viết báo Việt Nam, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Văn nghệ … được thành lập. 5 địa điểm này hiện nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đều là những địa chỉ đỏ, dấu tích quan trọng trong niềm tự hào chung của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Ngày 21/4/1950, theo chủ trương của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) đã diễn ra tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội thông qua Điều lệ, bầu Ban lãnh đạo gồm 10 thành viên do đồng chí Xuân Thủy là Hội trưởng; các ông Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Phó Hội trưởng, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Ngay tại Đại hội lần thứ Nhất (1950), mục tiêu hoạt động của Hội đã được khẳng định rõ: “Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình”. Ngày 02/6/1950, Bộ Nội vụ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị định công nhận sự hợp pháp của Hội Những người viết báo Việt Nam. Đến tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này. Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào tháng 8/2004.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Sáng ngày 04/4/1949 tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng do Tổng bộ Việt Minh tổ chức là khai giảng lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sang lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc gồm 5 người do ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên không đông, gồm 42 người là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về. Các giảng viên là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, có lý luận, thực tiễn phong phú và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân… Ngày 22/6/1949, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”. Ngày 06/7/1949, Trường làm lễ bế mạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư biểu dương và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”. Người căn dặn “Muốn viết bài báo khá thì cần: 1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”. Những dặn dò của Người đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Quốc gia năm 2019 đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường. Ngày 09/8/2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Lễ khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh 2-9. Đây cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2025), 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
|
 |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các đại biểu cắt băng khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Đại điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng |
Nơi Báo Nhân Dân ra số đầu tiên: Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), ra số đầu tiên ngày 11/3/1951, tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Báo Nhân Dân số đầu tiên đã dành toàn bộ nội dung cho Đại hội lần thứ II của Đảng. Trang 1 số đầu in măng sét đỏ, đăng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, tranh khắc gỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh; bài ký tên Tổng Bí thư Trường Chinh, với đầu đề "Hồ Chủ tịch, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta". Những tờ báo số 1 Báo Nhân Dân vừa được in ra đã được chiến sĩ quân bưu và giao thông hỏa tốc chuyển đến các mặt trận, vùng tự do và vùng sau lưng địch, đưa nghị quyết của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ.
Nơi Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên: Từ những ngày đầu Trung ưong Đảng, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và quân đội về ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên xây dựng căn cứ địa chống thực dân Pháp đã có các báo Quân du kích, Cứu Quốc quân, Tạp chí Văn nghệ quân đội làm việc tại Làng Vẹ, Làng Quặng, Khau Diều… Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tờ báo đã được hợp nhất thành tờ báo lớn có tên là Báo Quân đội nhân dân và xuất bản số đầu tiên vào ngày 20/10/1950 tại thôn Khau Diều. Ngay sau khi ra đời và đi vào hoạt động, cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, tình nguyện xông pha ra mặt trận, phản ánh kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm và những chiến công hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Nơi làm việc của Báo Văn nghệ: Sau chiến dịch Thu Đông năm 1947, Trung ương Đảng đã giao cho đồng chí Tố Hữu đứng ra tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến làm nòng cốt để thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam với tôn chỉ mục đích là từng bước thực hiện Đề cương Văn hóa của Đảng năm 1943, xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam là Tạp chí Văn nghệ cũng được thành lập, kế tục sự nghiệp của Tạp chí Tiên phong. Những năm 1949 - 1950, Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Tiên phong (Sau đổi tên thành Báo Văn nghệ) đứng chân tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; đây là thời kỳ công tác Hội rất phát triển và mở rộng nhất từ đầu kháng chiến đến năm 1950.