Hòa vào dòng người thành kính, tri ân những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi ra Côn Đảo. Côn Đảo tươi đẹp với biển trời bao la, xanh ngát, yên bình hiện ra trước mắt chúng tôi. Khát vọng tự do, đất nước hòa bình không còn là nỗi khát khao luôn đau đáu trong lòng những người tù yêu nước mà đã trở thành điều vô giá mà thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, hy sinh cả tuổi thanh xuân để giành lại cho thế hệ hôm nay. Được tự do ngắm biển trời quê hương như bức tranh thủy mặc giữa nơi đã từng được mệnh danh là chốn “địa ngục trần gian” mới thấy hết giá trị của cuộc sống hòa bình.
Côn Đảo đau thương mà bất khuất
Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Di tích đặc biệt quốc gia nhà tù Côn Đảo, nơi có khoảng 20.000 người Việt Nam yêu nước thuộc nhiều thế hệ đã bị thực dân, đế quốc giam cầm, đọa đày và hy sinh trong thời gian hơn 100 năm. Quên cái nắng đầu hè chói chang vùng đảo và những giọt mồ hôi đang thấm ướt dần lưng áo, chúng tôi bị hút vào hành trình thăm quan hệ thống nhà tù “địa ngục trần gian” cùng cậu di sản viên trẻ tuổi có giọng thuyết minh đầy xúc cảm - Võ Hoàng Thanh Tú.
Qua Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn rồi Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, Chuồng cọp Pháp, Khu biệt lập Chuồng bò, Trại Phú Phong, Chuồng cọp Mỹ... chứng kiến tận mắt tội ác của thực dân Pháp với những người tù yêu nước, những gian nan thử thách mà các cô bác đã trải qua, thật xót xa và cũng tự hào, cảm phục vô cùng. Vẳng vọng đâu đây tiếng đòn roi cào da, xé thịt, trên những bờ cát trắng trải dài, dưới hàng dương vi vút gió là lớp lớp thân thể người tù bị giặc vùi lấp. Đau thương mà kiên trung bất khuất, phong trào đấu tranh, chí khí yêu nước cách mạng vẫn luôn vượt lên trên những tường xám, rào gai của chốn “địa ngục trần gian” khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Sống trong những buồng giam chật chội, bẩn thỉu, lao dịch khổ sai, ăn uống thiếu thốn, kham khổ vô cùng, nhiều khi còn bị bỏ đói lại bị đàn áp giã man bằng những đòn tra tấn hiểm độc cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng phong trào đấu tranh yêu nước vẫn không ngừng nổ ra. Những người tù đã bí mật thành lập chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị vô nhân đạo, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học chủ nghĩa Cộng sản.
Vượt lên những tường xám, rào rai, chí khí của những chiến sĩ cách mạng kiên trung đã duy trì ngọn lửa cách mạng luôn sáng ngời nơi ngục tối. Những cuộc họp chi bộ vẫn diễn ra đều đặn, nhiều đảng viên mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng tại nơi đây, những tờ báo cách mạng vẫn được phát hành, truyền tay nhau đọc để thông tin lan tỏa trong khắp nhà tù tuyên truyền, động viên định hướng nhiệm vụ cho tù nhân yêu nước luôn giữ vững chí khí cách mạng, một lòng hướng về Đảng, về Bác vun đắp khát vọng tự do thành hiện thực không chỉ cho riêng mình mà cho đất nước, cho toàn dân tộc.
Nơi ngục tối là nơi sáng nhất, những câu chuyện về chị Sáu và những tấm gương hy sinh bất khuất của các tù nhân yêu nước, tình đồng chí sống chết có nhau của những người bạn tù, chia sẻ đến cả tấm áo cuối cùng cho người bạn ra đi làm các thành viên trong đoàn tham quan không cầm được nước mắt.
|
 |
Nhân dân tham quan nhà giam Phú Hải (Côn Đảo) Ảnh: Tư liệu |
Bác trong lòng người tù Côn Đảo
Cảm động nhất trong hành trình về Côn Đảo lần này mà chúng tôi được biết đến có lẽ là câu chuyện về tấm lòng của những người tù Côn Đảo với Bác kính yêu. Trong số những tù nhân yêu nước bị giam cầm ở Côn Đảo, có rất nhiều người chưa một lần được gặp Bác. Ở chốn “địa ngục trần gian”, nguyện vọng tha thiết của anh em tù chính trị là có ảnh Bác trong những buổi kết nạp Đảng, buổi họp chi bộ hoặc những dịp đặc biệt. Không thể có ảnh Bác từ ngoài gửi vào, ông Võ Huy Quang (một chiến sĩ Cộng sản hoạt động trong lòng địch bị ngụy quyền Sài gòn bắt, kết án tử hình đày ra Côn Đảo đã từng được gặp Bác) và một số đồng chí bàn tính vẽ ảnh Bác ngay trong chốn lao tù. Đúng sinh nhật Bác 19-5-1964, tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên được hoàn thành tại Phòng 2 Lao II khu tử hình trong niềm xúc động của các anh em trong tù.
Những tấm ảnh Bác tiếp tục được nhân bản, truyền tay nhau trong các phòng biệt giam, truyền lửa cho các tù nhân yêu nước. Trong những lúc bị địch đàn áp, anh em tù nhân cảm nhận được có Đảng, có Bác kề bên soi đường dẫn lối, anh em như được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu, giữ vững khí tiết cách mạng, không khuất phục trước kẻ thù và càng tin tưởng vào ngày chiến thắng. Đối với ông Quang, tác giả của những tấm chân dung Bác vẽ trong lao tù thì tấm ảnh cuối cùng ông vẽ là tấm ảnh có ấn tượng sâu sắc nhất vì được vẽ để treo trong dịp Lễ Quốc khánh 2-9-1971 và cũng là ngày ông được công nhận vào Đảng chính thức. Sau khi làm Lễ, những tấm ảnh được ông Quang cuộn lại bỏ trong chai thuốc ký ninh rồi dùng dầu hắc khằn nắp. Tranh thủ thời gian được ra sân tắm nắng mỗi ngày, ông đến bên gốc cây bàng trong sân trại giam, moi dưới rễ cây rồi giấu dưới đó... Năm 1996, lần đầu trở lại Côn Đảo sau ngày đất nước thống nhất, ông Quang vội đến chỗ giấu bí mật ngày cũ tìm những bức chân dung của Bác. Tuy có 3 bức bị thất lạc, nhưng 5 bức còn lại đều nguyên vẹn - như tấm lòng nguyên vẹn của ông và đồng đội dù trong chốn “địa ngục trần gian” vẫn một lòng hướng về Đảng, về Bác.
Sáng ngày 01/5/1975, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng được một ngày, toàn bộ 8 trại giam ở Côn Đảo được mở cửa. Những tù nhân gầy gò, ốm yếu trong những bộ quần áo rách rưới dìu nhau ra hít thở không khí tự do. Bọn tàn quân Mỹ, ngụy rút chạy để lại hòn đảo trống trơn, cô lập giữa trùng khơi và những người tù bị bỏ đói nhiều ngày không lương thực, thuốc men... Vậy mà trong bức điện đầu tiên khi liên lạc được với đất liền, khi được hỏi Côn Đảo cần chi viện những gì, đồng chí Đảo ủy lâm thời đã trình bày nguyện vọng đầu tiên của anh em tù Côn Đảo: "Chúng tôi không cần gì cả. Chúng tôi chỉ cần ảnh Bác Hồ". Không chỉ có ảnh Bác Hồ, đất liền còn gửi ra cho các anh, chị nhiều hơn thế. Ngay ngày hôm sau, chân dung Bác, cờ đỏ, sao vàng đã ngập tràn trên Đảo, tấm ảnh Bác khổ lớn được các rước rất trang trọng từ bến tàu vào đi vòng quanh đảo trong tiến tung hô vang dội “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Từ chốn ngục tù, xiềng xích về với công cuộc dựng xây đất nước
Đất nước thống nhất, bước vào công cuộc dụng xây, 153 cựu tù Côn Đảo đã tình nguyện ở lại xây dựng đảo, hàng ngàn cô bác khác trở về các miền quê trên đất nước tiếp tục cống hiến tâm sức của mình cho quê hương, đất nước. Dù nhiều cô bác thân thể không còn lành lặn bởi những trận đòn thù nhưng vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy “tàn nhưng không phế”, luôn trở thành những người gương mẫu trong công tác, trong lao động sản xuất và trong cuộc sống đời thường. Thật đáng trân quý khi nhiều cô bác gặp lại nhau, nhận ra nhau ở các hội nghị biểu dương điển hình tiến tiến làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Những ngày ở thăm Côn Đảo, chúng tôi có may mắn được gặp Má Tư (tên thật là Nguyễn Thị Ni) năm nay đã tròn 80, là một trong những cựu tù Côn Đảo tình nguyện ra xây dựng Đảo còn sống. Má tham gia làm biệt động thành, hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên những năm kháng chiến chống Mỹ và bị địch bắt năm 1971, qua hết các khám lớn nhỏ ở Sài Gòn rồi bị chúng đưa ra Côn Đảo giam cầm tại phòng giam số 6, trại Phú Hải. Cảm thương nhất là chuyện má kể về những đòn tra tấn hiểm ác, cảnh sinh sống ác nghiệt mà bọn đế quốc dành cho những nữ tù chính trị. Bản thân Má Tư đã bị chúng tra tấn, đày đọa mất đi quyền làm mẹ. Năm 1973, Hiệp định Gionevơ được ký kết, Má có trong danh sách được trao trả tù binh nhưng chúng còn giam má thêm một năm nữa, năm 1974 má mới được thả. Gặp chúng tôi, má không ngớt nhắc tên những người bạn tù đã không còn may mắn được trở về (chị Hương, chị Thanh, chị Cúc...), cũng vì nặng lòng với những người nằm lại, về đất liền được một thời gian, năm 1984, khi có đợt vận đồng cán bộ ra công tác xây dựng Côn Đảo, Má tình nguyện trở lại đảo công tác tại Công đoàn huyện đảo. Bà con trên đảo đã quá quen thuộc với cái dáng lật đật của má, cứ ngày rằm, mồng một, những ngày lễ tết lại tay nắm hương, tay xách làn hoa quả ra ngĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo thăm những đồng đội của mình. Nhiều cô bác quê xa, chiến tranh lưu lạc không có người thân tìm được, má là người thân duy nhất. Má nói “Chỉ có má rành nơi yên nghỉ của mấy chị, má ở đây, lỡ có ai người thân các chị ở đất liền vào tìm, hay các anh chị cựu tù trước ở cùng ra thăm má còn dẫn đến.” Má Tư cùng chồng (cũng là một cán bộ cách mạng công tác tại huyện đảo) sống bình dị như bao người khác trên đảo, gương mẫu, hết mình cho công việc tham gia xây dựng huyện đảo cho tới lúc nghỉ hưu.
Tìm trong danh sách những cựu tù Côn Đảo, chúng tôi còn được biết về bác Đoàn Nguyễn Thái Học (tức Nguyễn Tuấn Phong) ở xã Yên Dương, huyện Tam Đảo. Đến thăm Bác vào một chiều đầu hè, trong cái nóng oi ả của đợt nắng nóng diện rộng đầu hè, chúng tôi vẫn gặp bác tất bật chăm sóc đàn gia cầm. Bên cạnh ngôi nhà cấp 4 của gia đình là dãy chuồng trại, ao cá. Nào lợn, gà, vịt, được khoanh nuôi từng khu riêng quanh vườn nhà rất quy củ. Bác Học tham gia chống Mỹ, làm biệt động và bị bắt khi tham gia trận phá kho bom của địch ở Đà Nẵng. Hết khảo gãy đi gãy lại hai đùi rồi vặn 6 chiếc răng, bọn địch vẫn không khai thác gì được ở bác, chúng đày đọa bác ở chuồng cọp Mỹ sau đó đưa sang Phú Quốc cho đến ngày hòa bình lập lại bác mới được trở về quê hương. Thân thể không còn nguyên vẹn, những cơn đau thường xuyên hành hạ lúc trái gió, trở trời nhưng bác Học vẫn luôn lạc quan, vượt lên khó khăn cùng vợ con lao động sản xuất, tạo dựng kinh tế gia đình trở thành gia đình có kinh tế khá trong thôn. Bác nói “Những ai đã từng trải qua cảnh tù đày ở chốn địa ngục trần gian thì chẳng còn có khó khăn nào khuất phục được, mình còn sức lực đến đâu thì cứ làm, không nên trông chờ, ỉ nại”. Không nói nhiều về công trạng của mình, bác luôn khiêm nhường và gương mẫu. Bác Học chỉ được mọi người biết đến nhiều khi có chuyến thăm của người bạn cựu tù đặc biệt- Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Nguyên Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa gặp và nhận ra Bác Học trong một hội nghị biểu dương thương binh làm kinh tế giỏi toàn quốc. Biết được nơi sinh sống của bác Học, Phó Chủ tịch nước khi còn đương chức - năm 2005 đã có chuyến đi đặc biệt về Vĩnh Phúc thăm người anh, người đồng chí từng cùng nhau vào sinh ra tử trong các cuộc đấu tranh của tù chính trị yêu nước ở Chuồng cọp năm nào.
Họ đã chiến đấu và trở về như thế, những bản hùng ca sẽ còn lưu danh mãi không chỉ trong sử sách mà ngay trong cuộc sống thường ngày. Năm 2012, Nhà nước đã công nhận di tích Nhà tù Côn Đảo là di tích quốc gia Đặc biệt. Nhà tù Côn Đảo đã trở thành di sản, là trường học thực tế của lòng yêu nước cách mạng, là địa chỉ đỏ tri ân để mỗi thế hệ người Việt Nam luôn hướng về, là nơi ban bè quốc tế biết đến để cảm phục về đất nước và con người Việt Nam Anh hùng, là minh chứng tố cáo tội ác chiến tranh để mọi người cùng hướng tới hòa bình cho nhân loại.